Trấn áp Trần Mẫn Lưu Hoằng (nhà Tấn)

Cuối năm Vĩnh Hưng thứ 2 (305), Trần Mẫn cướp bóc Dương Châu, đưa quân tây tiến, Hoằng bèn giải chức Nam Man hiệu úy, đem thụ cho Bắc quân trung hậu (tiền nhiệm) Tưởng Siêu, còn mình thống lãnh Giang Hạ thái thú Đào Khản, Vũ Lăng thái thú Miêu Quang đưa quân đồn trú Hạ Khẩu; lại sai Trị trung Hà Tùng lãnh quân 3 quận Kiến Bình, Nghi Đô, Tương Dương đồn trú Ba Đông, làm hậu viện cho La Thượng; gia hiệu cho Nam Bình thái thú Ứng Chiêm làm Ninh viễn tướng quân, đốc thủy quân 3 quận, làm hậu viện cho cho Tưởng Siêu [1].

Khản và Mẫn là người cùng quận, lại được cử làm lại cùng năm, có kẻ nghi ngờ Khản, Hoằng không nghe, lấy ông ta làm Tiền phong đốc hộ, ủy nhiệm việc đánh dẹp Mẫn. Khản sai con trai và con trai anh mình làm con tin, Hoằng nói: “Cha chú các ngươi chinh chiến, bà nội tuổi đã cao (tức mẹ của Khản), hãy trở về đi. Kẻ thất phu kết giao còn không có lòng phụ nhau, huống hồ là bậc đại trượng phu.” Bấy giờ Mẫn không dám xâm phạm Kinh Châu [1].